• Ingen resultater fundet

Các thông điệp và khuyến nghị chính

3. Con đường hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không

3.3 Các thông điệp và khuyến nghị chính

Để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, nguồn điện từ NLTT cần phải là nguồn thay thế chính trực tiếp hoặc gián tiếp cho nhiên liệu hóa thạch thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân

Phân tích cho thấy tiêu thụ điện sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050 so với kịch bản BSL. Hệ thống điện phải đáp ứng hơn 70% tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng bằng nguồn điện từ NLTT vào năm 2050 để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Hầu hết nhiên liệu hóa thạch sẽ được thay thế bằng điện khí hóa trực tiếp. Khoảng 8% nhu cầu năng lượng cuối cùng bao gồm hàng không và vận tải biển có thể đáp ứng bằng điện khí hóa gián tiếp thông qua sử dụng nhiên liệu điện phân như hydro. Công suất phát điện bao gồm cả lưu trữ điện năng phải đạt ít nhất 2.200 GW vào năm 2050, cao hơn bốn lần so với kịch bản BSL.

Công suất phát và lưu trữ trong kịch bản phát thải ròng bằng không đến năm 2050 của nghiên cứu này chủ yếu gồm: Công suất lưu trữ: (47%); Công suất điện mặt trời (43%) và điện gió (7%). Các nguồn NLTT chính gồm mặt trời (75%) và gió (21%).

Cần sớm tăng cường năng lực của lưới điện truyền tải; Hệ thống lưu trữ năng lượng chỉ thực sự cần thiết từ sau năm 2030 để đảm bảo hiệu quả về chi phí

Tỷ trọng NLTT cao dẫn đến yêu cầu đầu tư lớn vào công nghệ cân bằng bao gồm truyền tải và lưu trữ điện năng.

Hiện nay, truyền tải điện, đặc biệt là truyền tải ra miền Bắc đang gặp nhiều thách thức. Dự kiến đến năm 2030, sẽ có thêm 12 GW công suất truyền tải liên vùng được đưa vào vận hành, tương đương với 40% công suất truyền tải liên vùng hiện có và dự kiến đến năm 2050 sẽ có khoảng 160 GW công suất truyền tải liên vùng được đưa vào vận hành. Mức này gấp tương ứng với khoảng 5- 6 lần công suất truyền tải hiện tại và khoảng 3 lần công suất trong kịch bản BSL. Để thực hiện được điều này, Việt Nam cần sớm đầu tư nâng cao năng lực lưới điện truyền tải.

Công suất lưu trữ sẽ tăng từ gần như không có vào năm 2030 lên 460 GW vào năm 2050. Công suất lưu trữ cần thiết chủ yếu sử dụng công nghệ pin tích năng với thời gian lưu trữ là 2-4 giờ nhưng cũng có thể có thêm đến 9 GW thủy điện tích năng với khoảng 10 giờ lưu trữ.

Con đường hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không

| 39 Mục tiêu phát thải ròng bằng không là khả thi, với mức chi phí lũy kế chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh tăng 10% trong cả giai đoạn 2020-2050

Tổng chi phí hệ thống điện trong kịch bản BSL và kịch bản phát thải ròng bằng không (NZ) khá tương đồng cho đến năm 2030. Chi phí đầu tư hệ thống điện vào năm 2050 trong kịch bản NZ cao hơn 5 - 6 lần kịch bản BSL, trong khi tổng chi phí hệ thống điện chỉ cao hơn 3,2 lần so với kịch bản BSL do không còn chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, hệ thống điện chỉ là một phần của hệ thống năng lượng. Kết quả phân tích mô hình cho thấy, chi phí hệ thống năng lượng khá tương đồng trong tất cả các kịch bản cho đến năm 2040, sau đó tăng lên 45% vào năm 2050 trong kịch bản NZ. Với giả định tỷ lệ chiết khấu kinh tế xã hội 10%, giá trị hiện tại ròng của tổng chi phí hệ thống năng lượng lũy kế trong giai đoạn 2020-2050 trong kịch bản NZ chỉ cao hơn kịch bản BSL là 10%.

Mức phát thải cần đạt đỉnh muộn nhất vào năm 2035 để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không và duy trì giới hạn phát thải các-bon cũng như để tránh chi phí quá cao

Để đóng góp vào mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2oC (Thỏa thuận Paris), lượng phát thải sẽ phải nằm trong giới hạn là 11 tỷ tấn và phải đạt đỉnh vào năm 2035. Nếu mức phát thải đạt đỉnh muộn hơn thì chi phí để đạt đến phát thải ròng bằng không có thể tăng rất cao.

Để có thể thực hiện được mục tiêu này, cần ngừng đưa vào vận hành các nhà máy điện than mới ngoài các nhà máy đã cam kết và không có thêm nhà máy điện khí mới sau năm 2035. Ngoài ra, cần tập trung mạnh vào các thiết bị công nghiệp mới có tuổi thọ cao để có mức phát thải các-bon thấp. Đồng thời việc đầu tư vào các công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch cần kết thúc đúng hạn để tránh tài sản bị mắc kẹt vào năm 2050.

Điện hạt nhân chỉ hiệu quả về chi phí nếu việc triển khai điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời bị hạn chế đáng kể

Phân tích cho thấy các công nghệ điện hạt nhân hiện tại không cạnh tranh được về chi phí so với phương án kết hợp công nghệ điện mặt trời, điện gió, lưu trữ điện năng và truyền tải. Chỉ khi những công nghệ này không được khai thác tối đa, ví dụ do hạn chế về đất đai, thì điện hạt nhân mới có thể cạnh tranh khi hướng tới mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Ví dụ, nếu chỉ dành một nửa trong số diện tích đất 11.000 km2 cho năng lượng mặt trời trong kịch bản NZ, thì sẽ cần 35 GW điện hạt nhân.

Cần giảm tỷ lệ chiết khấu kinh tế xã hội xuống dưới 10%

Trong quá trình lập kế hoạch đầu tư, tỷ lệ chiết khấu kinh tế xã hội được sử dụng để so sánh chi phí hiện tại với chi phí trong tương lai. Tỷ lệ chiết khấu kinh tế xã hội cao có lợi cho các dự án có chi phí trả trước (đầu tư) tương đối thấp và chi phí vận hành cao hơn, chẳng hạn như các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch, so với dự án NLTT.

Việc giảm tỷ lệ chiết khấu kinh tế xã hội hiện đang áp dụng từ 10% xuống còn 6,3% theo khuyến nghị của OECD sẽ thay đổi cơ cấu nguồn năng lượng tối ưu và tăng đầu tư vào năng lượng mặt trời lên 60%, gió lên 23% và lưu trữ điện năng lên 30%, chủ yếu để thay thế các nhà máy điện khí.